Như cánh chim điên

Chỉ sau 9 năm gầy dựng, một cử nhân kinh tế từ bỏ chốn phồn hoa đô thị về quê học làm nông đã có trong tay gia tài chim sinh sản và chim quý hiếm với nguồn gien đặc hữu để bảo tồn đồ sộ nhất Việt Nam

Nhiều người từng gọi Trần Nhữ Giáp là “vua chim Việt” nhưng anh không thích thế. Anh chỉ tự nhận mình là gã nông dân có giấc mơ bay bổng trên đôi cánh các loài chim. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, nhận xét: “Giáp yêu chim đến kỳ lạ. Nhiều lúc tôi thấy anh giống một cánh chim điên mang giấc mơ siêu thực”.

Bỏ phố về quê

Từ một trang trại nuôi chim và các loài thủy cầm quý hiếm, Vườn Chim Việt ở khu sinh thái xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội giờ đã mang dáng dấp một khu bảo tồn chim tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ông chủ vườn Trần Nhữ Giáp vẫn giữ thói quen dẫn bạn bè, khách khứa đến tham quan đi một vòng quanh khu đất rộng gần 2 ha để giới thiệu về từng loại chim.

Mỗi loại chim là một câu chuyện về chặng đường gian nan mà anh Giáp đã trải qua để gây dựng nên vườn chim xôm tụ như bây giờ. Tốt nghiệp Trường ĐH Thương mại Hà Nội năm 2001, với sự nhạy bén thương trường, chàng thanh niên quê Hà Nam nhanh chóng trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt sau khi thành lập công ty tư vấn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Anh Trần Nhữ Giáp (giữa) cùng GS Nguyễn Lân Dũng (phải) và GS Võ Quý
Anh Trần Nhữ Giáp (giữa) cùng GS Nguyễn Lân Dũng (phải) và GS Võ Quý

Khi đã có trong tay vốn liếng cả chục tỉ đồng, Giáp vẫn không nguôi nhớ về ruộng đồng ở miền quê chiêm trũng, nơi có hàng bầy cò trắng bay thẳng cánh và những đàn chim ca hót líu lo. Như một quy luật khắc nghiệt của thương trường, doanh nhân trẻ Trần Nhữ Giáp phất lên vùn vụt nhưng cũng trắng tay nhanh chóng.

“Đến khi chỉ còn vài chục triệu đồng, tôi quyết định về quê. Số tiền tôi có trong tay lúc đó chỉ đủ mua 2 chú chim trĩ đỏ. Tôi mua một cặp về nuôi để giải khuây vì vốn rất yêu chim nhưng không ngờ một thời gian sau, chúng sinh sản. Tôi quyết định không trở lại Hà Nội, không gây dựng công ty nữa mà sẽ ở quê nhà học làm một anh nông dân nuôi chim” – anh nhớ lại.

Ông chủ Vườn Chim Việt sắp đưa loài công ra khỏi Sách đỏ
                                               Ông chủ Vườn Chim Việt sắp đưa loài công ra khỏi Sách đỏ

Với tính cách quyết đoán, Giáp tự mày mò học hỏi cách nuôi chim trĩ đỏ để thành lập trại giống. Đầu tư thêm cả trăm triệu đồng mua giống rồi đi một số nước tham quan mô hình nuôi trĩ đỏ sinh sản nhưng anh vẫn thất bại. “Đã vay mượn vài trăm triệu đồng để đầu tư vào cuộc chơi này nên tôi quyết định không dừng lại. Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, tôi đã nhân giống thành công hơn 100 con chim trĩ đỏ khoang cổ và hơn 20 chim công xanh Ấn Độ” – anh kể.

Khi đó, Giáp gặp không ít khó khăn vì trĩ đỏ là loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Để nuôi loại chim này, anh phải xin giấy phép của ngành kiểm lâm và rất nhiều loại giấy chứng nhận khác. Đến năm 2009, khi đã nhân giống được hàng ngàn con, anh mới có được tấm giấy chứng nhận thành lập trại nuôi chim trĩ đỏ.

Khi Giáp khởi nghiệp với đôi chim trĩ đỏ, người thân và bạn bè không ai nghĩ chàng cử nhân kinh tế từ bỏ phố thị về quê này có thể thành công. “Nhưng tôi vốn là kẻ mang giấc mơ chim trời. Nuôi chim, yêu chim nên có lẽ tôi cũng lãng mạn và bay bổng. Có nhiều thứ chính tôi cũng không tin là mình làm được, cho đến khi thành công và được các nhà khoa học hàng đầu ghi nhận” – anh tâm sự.

Không đầu hàng Sách đỏ

GS Võ Quý, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về động vật hoang dã, nhận xét: “Trần Nhữ Giáp là người có công đưa chim trĩ đỏ ra ngoài Sách đỏ. Không những thế, Giáp còn phổ biến kỹ thuật nuôi trĩ đỏ sinh sản, giúp nhiều nông dân thoát nghèo từ loài chim này”.

Tham vọng của Giáp không chỉ dừng lại ở trĩ đỏ. Sắp tới, anh tự tin sẽ đưa được cả chim công ra ngoài Sách đỏ Việt Nam. Ông chủ Vườn Chim Việt hào hứng: “Đó là sự khẳng định không chỉ với riêng tôi mà còn cho cả những người nuôi chim ở Việt Nam”. Từ 18 chim công giống, đến nay, anh đã nhân giống được hơn 600 con. Anh còn lai tạo ra những dòng mới như công ngũ sắc có 5 màu rất đẹp.

Chủ trang trại Vườn Chim Việt đã giúp nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc…thực hiện thành công mô hình nuôi chim sinh sản gồm công, sâm cầm, vịt trời… Hai trang trại của anh đã tạo việc làm cho 20 người, bảo đảm thu nhập ổn định. Vườn chim của Giáp có gần 5.000 cá thể trĩ đỏ, trĩ xanh, công, gà lôi trắng, vịt uyên ương, vịt trời, sâm cầm… – thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm, anh đều sang Úc, Singapore, Thái Lan… học hỏi kỹ thuật nuôi chim về áp dụng cho trang trại của mình và hướng dẫn cho các hộ nông dân.

“Thời gian đầu, tôi thường cho nhiều loài gia cầm khác nhau ấp trứng công, sâm cầm hoặc gửi đến các cơ sở ấp trứng gà để nhân giống nhưng cách này không mấy hiệu quả. Năm 2012, sau khi mày mò học hỏi dựa trên nguyên lý của máy ấp trứng gà, tôi cải biến và sản xuất máy ấp trứng tự động chuyên dụng để ấp nở công, sâm cầm cũng như nhiều loài chim khác. Máy đã được chuyển giao cho khách hàng mua giống tại trang trại với tỉ lệ ấp nở thành công tới 90%” – anh khoe.

Có một không hai

Một số loài chim mà nhiều người có lẽ đã biết tên nhưng phải đến trang trại của anh Giáp mới có thể nhìn thấy lần đầu. Sâm cầm là một trong số đó. “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “bầy sâm cầm nhỏ” vỗ cánh mặt trời khi miêu tả cảnh đẹp ở Hồ Tây của Hà Nội. Đây là loài chim di cư từ phương Bắc xuống nhưng sau nhiều năm bị săn bắn và tận diệt, chúng gần như không còn xuất hiện ở Hà Nội nữa” – GS Nguyễn Lân Dũng cho biết.

Anh Giáp hiện đã nuôi được sâm cầm sinh sản với hơn 100 con. Sâm cầm có giá trị kinh tế cao và là một vị thuốc nhưng để nuôi thành công, anh phải học hỏi mấy năm. “Trước đây, sâm cầm là vật phẩm tiến vua, chỉ dòng dõi quý tộc mới được thưởng thức. Thịt sâm cầm mềm, màu đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và nhiều người săn đón. Để nhân được giống loài chim này, tôi phải đi nước ngoài học kỹ thuật nuôi rồi về áp dụng trong điều kiện Việt Nam” – anh kể.

Từ một thú chơi, với tất cả sự đam mê và tính cách không đầu hàng, giờ Trần Nhữ Giáp đã trở thành nhà điểu học am hiểu sâu sắc và có nhiều kiến thức thực tế về chim. “Tôi đánh giá rất cao việc Giáp cất công đi Singapore, Úc mang về nhiều giống loài chim cực kỳ quý hiếm để bảo tồn nguồn gien” – GS Võ Quý nhận xét. Những loài chim như hoàng hạc được Giáp đưa về có giá cả tỉ đồng với tuổi thọ lên đến 100 năm là một đóng góp quý với cả giới khoa học Việt Nam.

“Việc mang các loài chim quý về Việt Nam rất khó khăn vì nhiều nước không muốn đưa các nguồn gien quý ra ngoài. Tuy nhiên, sau khi trao đổi, các nhà khoa học, điểu học nước ngoài thấy tôi tâm huyết và nuôi chim với mục đích bảo tồn, nghiên cứu thì họ ủng hộ. Từ đó, rất nhiều loài chim mới xuất hiện ở Việt Nam” – anh Giáp tiết lộ. Vườn Chim Việt hiện đã có nguồn gien bảo tồn những loài quý hiếm như gà lôi trắng, trĩ “hoàng đế” – loài thường được vua chúa ngày xưa nuôi trong vườn thượng uyển, chim trĩ đỏ khoang cổ…

Chim Lạc Việt xuất hiện

Trần Nhữ Giáp giới thiệu với chúng tôi một đàn chim lạc hồng, còn được giới điểu học gọi là chim Việt – loài được in hình trên trống đồng, quốc bảo của Việt Nam nhưng lại rất ít người biết về nó. Anh thổ lộ: “Tôi lấy tên loài chim này để đặt cho trang trại của mình. Người Việt có quyền tự hào về rất nhiều loài chim quý, đặc hữu nhưng vấn đề là chúng ta cần biết trân trọng, bảo tồn”.

 

Chim Lạc Việt được nuôi ở Vườn Chim Việt
                                                        Chim Lạc Việt được nuôi ở Vườn Chim Việt

Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, chim Lạc Việt xuất hiện trở lại mang một ý nghĩa lớn. “Chúng ta tự hào về nguồn gốc con Lạc cháu Hồng nhưng không mấy ai biết lạc là loài chim thế nào. Dù nghiên cứu sử học nhưng cũng phải đến khi xem loài chim đang được anh Giáp bảo tồn nguồn gien, chúng tôi mới hiểu thêm và có nhiều cứ liệu phục vụ nghiên cứu” – ông bày tỏ.

 

Bài và ảnh: MẠNH DUY