Giới chơi chim thượng lưu trong cả nước không ai không biết đến cái tên Trần Nhữ Giáp – người được mệnh danh là “vua chim”, là chủ sở hữu nhiều loài chim quý. Không chỉ tiên phong trong việc nuôi dưỡng thành công các loài chim quý, anh còn là người góp phần đưa chim trĩ ra khỏi danh sách động vật quý hiếm ở Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, trang trại mang tên Vườn chim Việt của anh Trần Nhữ Giáp ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) là điểm đến của nhiều người kinh doanh và chơi chim cảnh trong cả nước. Vườn chim rộng hơn 2ha của anh hiện đang nuôi rất nhiều loài chim quý, đặc biệt là chim công, chim trĩ và rất nhiều loài mới được anh nhân giống thành công.
Anh đến với việc nuôi chim bằng niềm đam mê và sở thích sưu tầm các loài chim quý, ban đầu chỉ nuôi chơi và không có ý định kinh doanh hay làm giàu. Trước đây, chỉ có các đơn vị của Nhà nước như vườn thú, các trung tâm bảo tồn quốc gia hay trung tâm cứu hộ mới được nuôi dưỡng các loài chim quý và chưa có đơn vị tư nhân nào được cấp phép phát triển mô hình này. Vườn chim Việt của anh Giáp ra đời cách đây hơn 10 năm, là trại nuôi chim đầu tiên và duy nhất cho đến nay được cấp phép nuôi chim sinh sản và bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Vì là người đi tiên phong nên anh phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là phải chứng minh được những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo, mà ở Việt Nam khi đó lại không có tài liệu cụ thể nào về quy trình kỹ thuật nuôi các loài này. Tiền vốn đã ít, có thời điểm, anh Giáp mất trắng hàng trăm triệu đồng vì bệnh dịch và do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi.
Để khắc phục, anh Giáp phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mày mò tự viết tài liệu để áp dụng nuôi dưỡng. Có những ngày, anh dành tới mười mấy tiếng đồng hồ chỉ ngồi đọc tài liệu từ tiếng Anh, tiếng Trung, rồi phải liên tục đi nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Sau này, những tài liệu anh viết ra được công nhận là tài liệu đầu tiên và cũng là tài liệu chuẩn nhất. Hiện, anh hay tham gia các chương trình của đài truyền hình hỗ trợ kiến thức trong chăn nuôi, rất nhiều người nuôi chim và các loài gia cầm khác hay gọi điện hỏi anh về kỹ thuật. Anh có thể giải đáp được 90% những bệnh trong chăn nuôi gia cầm và còn chế ra được các loại thuốc chữa bệnh. Mọi người gọi anh là nhà điều học nhưng ít ai biết anh là người “ngoại đạo” trong lĩnh vực chăn nuôi nông nghiệp, không phải chuyên gia cũng không có bất kỳ một tấm bằng nào liên quan đến nghề.
Đàn chim công trong trang trại Vườn chim Việt.
Thất bại làm lại
Đưa chim trĩ ra ngoài sách đỏTrang trại nuôi chim trĩ ở Hà Nam của anh Giáp là nơi đầu tiên trong nước nuôi dưỡng thành công loài chim đã từng có tên trong danh sách động vật hoang dã qúy hiếm. Anh đã giúp cho nhiều tỉnh thành Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công mô hình nuôi chim trĩ sinh sản. Không chỉ cung cấp nguồn chim giống cho nhiều nơi, anh còn sẵn sàng cho nông dân vay vốn không lấy lãi để giúp họ có đủ điều kiện chăn nuôi. Anh có công lớn trong việc đưa chim trĩ ra ngoài sách đỏ của Việt Nam. Theo anh, để nuôi sống loài chim này thì dễ nhưng nuôi để sinh sản và ổn định các thế hệ về sau rất khó. Anh đã nghiên cứu và khắc phục để đạt được tỷ lệ ấp nở cao hơn. Máy ấp trứng do anh sáng chế ra tỷ lệ thành công có khi lên đến 90%. |
Việc nuôi chim cảnh đến với Trần Nhữ Giáp sau cả một quá trình dài bươn chải: Năm 22 tuổi, anh tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh, đại học Thương mại và đi làm thuê cho các công ty Việt Nam lẫn nước ngoài. Có chút vốn liếng, anh nhảy ra mở nhà hàng và câu lạc bộ bida rồi mở công ty tư vấn riêng. 30 tuổi, anh từ bỏ công ty tư vấn đầu tư để trở thành nông dân. Thời điểm khi kinh doanh nhà đất gặp khó khăn, đồng tiền một đi không trở lại, anh vứt bỏ tất cả nhảy sang thú chơi chim tốn kém khiến bạn bè và gia đình không ít lần phản đối. Thậm chí, người ta còn bảo anh… điên khi đốt tiền vào những thú chơi vô bổ. Thế nên đến năm 33 tuổi, khi chàng trai quê Hà Nam sở hữu trong tay bốn trang trại nuôi chim trên khắp cả nước có trị giá lên đến hàng tỉ đồng thì nhiều người không khỏi thán phục vì anh đã kiên trì vượt qua được điệp khúc đáng buồn là thất bại làm lại trong mấy năm liên tục.
Ban đầu, anh nuôi song song trĩ đỏ, chim công, sau đó thì bổ sung thêm các loài chim khác. Cũng có một số loài tự nhân lên như trĩ xanh là đột biến từ trĩ đỏ; công xanh trong quá trình nuôi cho ra những dòng mới như công trắng, công ngũ sắc. Những cá thể này trong danh mục động vật học chưa phân loài và đang được anh tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm. Vườn chim của anh Giáp chính là nơi đầu tiên lai tạo thành công loài công ngũ sắc, giống công năm màu rất quý. Hiện nay, loài anh lai tạo thành công nhất là chim công và chim trĩ đỏ khoang cổ, chim trĩ xanh. Tính ra vườn chim có đến hơn 10 chủng loại, có chủng loại lên đến hàng nghìn con và đứng đầu là chim công có tên trong sách đỏ.
Anh Giáp cho biết, khoảng 50% động vật trong trang trại như chim trĩ, vịt trời… được nuôi làm thương phẩm. Số còn lại là những dòng rất quý của Việt Nam như vịt uyên ương, gà lôi trắng hay những loài có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/con như vẹt, hồng hạc, hắc hạc, anh chỉ để dành để bảo tồn và nuôi chơi, chứ không đem bán, dù chăm sóc chúng rất tốn kém. Anh chủ yếu bán chim giống và lấy tiền đó để đầu tư cho trang trại.
Anh tâm sự: “Tôi lấy chính nguồn thu từ việc bán các loài chim để đầu tư vào lĩnh vực này và không màng lợi nhuận, bởi tôi còn làm nhiều lĩnh vực khác. Nhiều người hỏi giá của những loài chim này bao nhiêu, tôi nghĩ nếu định giá thì vô cùng lắm. Vì đây là sinh vật cảnh, cũng như cây cảnh vậy, người thích nó thì giá có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng với người không thích chỉ để làm củi thôi. Không có cơ quan nào thẩm định giá cả mà mình thuận mua vừa bán là chính. Tôi muốn đầu tư phát triển mô hình nhiều hơn nữa nhưng gặp khó khăn về tài chính nên làm đến đâu, đầu tư đến đấy. Tôi cũng chưa tiếp cận được các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi hoặc các tổ chức quốc tế về bảo tồn. Tôi hy vọng có thể khắc phục được những khó khăn này trong thời gian tới”.
Loan Thanh