Bảo tồn những loài chim quý hiếm

Trong thời gian gần đây người ta đã xác định tương đối chính xác về những đối tượng trong véc-tơ truyền bệnh cúm gia cầm do virus gây bệnh từ khu vực này sang khu vực khác hoặc từ nước này sang nước khác, trong đó có những loài động vật hoang dã nhất là một số loài chim. Trong số những loài chim hoang dã chúng ta đặc biệt chú ý hai nhóm sau: Nhóm chim dư cư, nhóm chim được buôn bán trong nội địa và xuất khẩu.

chim tri

Ðối với nhóm chim di cư, do điều kiện địa hình, hằng năm vào mùa đông có hàng triệu con chim di cư đã dừng chân trên đường bay di cư từ Bắc Cực xuống Nam Cực. Mùa đông, các loài chim di cư từ Siberia (Nga) xuống bán đảo Triều Tiên, qua Trung Quốc, Hồng Công, qua Việt Nam, Thái-lan, Indonesia, Australia. Mùa xuân các loài chim di cư này lại bay ngược lại. Các điểm dừng chân của các loài chim di cư ở dải ven biển đồng bằng sông Hồng, chủ yếu ở các cửa sông lớn như: Cửa sông Hồng (Ba Lạt) thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh, cửa sông Ðáy, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh, cửa sông Thái Bình (tỉnh Thái Bình), cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Các điểm dừng chân trên đường bay di cư của các loài chim di cư ở dải ven biển đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở các cửa sông lớn như: Cửa Cần Giờ (TP  Hồ Chí Minh), cửa Tiền, cửa Hậu, Bảy Háp. Những loài chim di cư có nguy cơ cao trong vai trò là véc-tơ truyền bệnh, tập trung trong họ vịt, bộ ngỗng. Vào mùa di cư, những loài vịt hoang dã này thường kiếm ăn tại các bãi triều và các đầm nuôi tôm, nuôi hải sản. Ðồng thời cũng tại những nơi này, dân địa phương nuôi vịt nhà, ngoài việc cung cấp thức ăn như: thóc, ngô, con giắt (một loài nhuyễn thể khai thác ở vùng ngập triều) thì họ thả vịt nuôi để tự chúng kiếm ăn.

Nhiều năm, chúng tôi đã quan sát thấy vịt hoang dã kiếm ăn lẫn các đàn vịt nhà ở các địa phương thuộc cửa sông Ðáy, sông Hồng, sông Thái Bình. Những con vịt hoang dã này trên đường di cư qua Việt Nam đã có thời gian dừng chân kiếm ăn tại các bãi triều tại các vùng cửa sông ven biển Trung Quốc, Hồng Công. Vì thế chúng có thể đã bị nhiễm virus bệnh cúm gia cầm từ những con vịt nhà nuôi ở các nơi này, rồi lại truyền gây nhiễm sang các con vịt nuôi tại Việt Nam.

Thuộc nhóm này có các loài chim hoang dã có số lượng cá thể nhiều hơn, thường gặp trong các đàn chim di cư về Việt Nam trong họ vịt như sau: le nâu, ngỗng trời, vịt vàng, vịt đầu vàng, mồng két, vịt trời, vịt mỏ thìa, vịt đầu đỏ, vịt mốc. Ðối với nhóm chim buôn bán trong nước và xuất khẩu. Hiện nay nhóm chim được buôn bán trong nội địa với mục đích làm chim cảnh và làm thực phẩm, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Nha Trang có số lượng lớn.

Bản thân các loài chim hoang dã đã được buôn bán nuôi làm cảnh đều được bắt từ ngoài thiên nhiên, qua vận chuyển về các thành phố trên đường đi đã bị nhiễm virus gây bệnh có thể do các phương tiện chuyên chở đã dùng chở chung với các gia cầm từ địa phương này qua địa phương khác, hoặc đã bị nhiễm từ các ổ dịch cúm gia cầm trước khi bị bắt trong thiên nhiên.

Ngoài ra, ở Việt Nam vài năm gần đây đã xuất hiện một số cơ sở tư nhân nuôi chim phục vụ xuất khẩu. Ðây cũng là những nguồn dễ dàng bị nhiễm virus gây bệnh cúm gia cầm. Thí dụ ở An Giang, cách thị xã Long Xuyên về phía sông Ðốc khoảng 18-20 km có một trại tư nhân nuôi loài vịt hoang dã b nâu, nuôi khoảng vài trăm cá thể. Thực tế đây là trại nuôi chim bắt từ thiên nhiên, không phải được nuôi bằng nguồn giống từ một trại nhân giống nào.

Ngoài hai nhóm chim hoang dã kể trên, cũng cần phải đề phòng nguy cơ truyền bệnh cúm gia cầm của một số loài chim hoang dã khác như các loài chim ăn thịt: Diều hâu, cắt lưng hung, đặc biệt một ít loài ăn xác chết động vật (xác gia cầm bị bệnh cúm gia cầm) như: quạ đen.

Dịch cúm gia cầm hiện nay là mối đe dọa đối với các nguồn  gien quý hiếm đã được gìn giữ nhiều năm trong các trung tâm cứu hộ như: Vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh. Ðây là những cơ sở lưu giữ nhiều nguồn gien quý hiếm để phục vụ nhân dân, nghiên cứu khoa học và bảo tồn. Hiện có 53 loài chim với 244 cá thể đang sinh sống trong Vườn thú Hà Nội, trong đó đặc biệt chú ý là có tới 173 cá thể thuộc 13 loài chim trong họ trĩ đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam. Hai loài: gà lôi lam mào trắng và gà lôi lam đuôi trắng là duy nhất có tại Vườn thú Hà Nội. Phần lớn những loài chim  trĩ là những loài quý hiếm có giá trị khoa học và kinh tế cao. Ở Việt Nam có 22 loài trong 49 loài của thế giới chiếm 46%, trong đó có ba loài là đặc  hữu chỉ có ở Việt Nam: gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam đuôi trắng và gà lôi lam mào đen. Như vậy có thể coi đây là một bảo tàng đa dạng gien quý hiếm không những của Việt Nam mà còn của thế giới. Cần có những biện pháp mạnh và cấp bách để bảo tồn chúng.

Trong bối cảnh dịch cúm gà hiện nay, để bảo vệ, giữ gìn nguồn gien quý hiếm của các loài chim đang được nuôi nhốt tại các trung tâm cứu hộ, vườn thú, chúng tôi kiến nghị: Trong thời gian dịch đang lây lan thì việc chấp hành nghiêm những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc hạn chế sự lây lan của dịch cúm gia cầm là điều cần được thực hiện một cách nghiêm túc. Một số cơ sở cần được quan tâm đặc biệt của Chính phủ như: Vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh để bảo vệ những con gà giống, các loài chim quý hiếm. Cần tuân thủ rất nghiêm ngặt những hướng dẫn của Cục Thú y và những cơ quan thẩm quyền cấp trên như: Cách ly hoàn toàn khu vực nuôi trưng bày các loài chim nuôi trong khu vực với gia cầm và người; thực hiện và giám sát quy trình vệ sinh phòng dịch nghiêm ngặt và lịch tẩy uế chuồng trại đối với nhân viên chăm sóc (hằng ngày tẩy trùng toàn bộ khu chuồng trại nuôi, cống rãnh chung quanh khu vực nuôi; tẩy trùng máng ăn, máng đựng nước; khử trùng bảo hộ lao động của các nhân viên, v.v. thành phần thức ăn tuyệt đối không có nguồn gốc từ gia cầm; không cho các loài chim lạ bay tới gần khu vực nuôi; bổ sung vi-ta-min tổng hợp để tăng sức đề kháng của cơ thể các loài chim và gà.

UBND thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần có những phương án hỗ trợ để bảo vệ nguồn gien động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam và thế giới đang được nuôi giữ tại Vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên TP Hồ Chí Minh. Các cơ quan chức năng cần tăng cường ngăn chặn việc buôn bán các loài chim hoang dã làm cảnh tại các trung tâm buôn bán và các thành phố lớn.

PGS, TS LÊ XUÂN CẢNH
       Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật