Ông chủ Vườn Chim Việt

Cách trung tâm chưa đầy 20km, trang trại Vườn chim Việt (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) là điểm đến thú vị với giới chơi chim cảnh ở phía bắc. Chủ nhân của vườn chim độc đáo này là chàng thanh niên có tên Trần Nhữ Giáp, tuy ngoài ba mươi tuổi nhưng đã có thâm niên hơn chục năm trong nghề, nhất là thuộc hàng có số má trong làng nuôi chim cảnh ở Hà Nội.

Hình thành cách đây hơn 10 năm, Vườn chim Việt là trại nuôi chim đầu tiên và duy nhất cho đến nay được cấp phép nuôi chim sinh sản và bảo tồn. Dạo thăm vườn, trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, các loài chim, đặc biệt là trĩ, công, được nuôi xen kẽ, kết hợp của mô hình vườn ao chuồng được tính toán, bố trí khoa học, thấy rõ công sức, tâm huyết của chủ nhân đổ vào đây. Ngoài công và trĩ là hai giống chim quý đã được anh Trần Nhữ Giáp nhân giống và hoàn thiện mô hình nuôi, hiện anh vẫn âm thầm nghiên cứu đặc tính, cách nhân giống một số loài chim quý hiếm khác. Chỉ vào một đôi vẹt màu sắc sặc sỡ đang đậu ở bậu cửa, anh nói: Tôi trả học phí cho cặp vẹt Úc này hơn trăm triệu rồi, hiện giờ vẫn đang tiếp tục theo dõi…

Thất bại, làm lại, thất bại, làm lại… Hai năm trời lặp đi lặp lại điệp khúc buồn đó, anh vẫn kiên trì đeo bám.

Nhìn lại quãng đường đã đi qua, anh Giáp càng thấm thía, làm gì cũng vậy, phải dốc sức dốc lòng để tìm hiểu cặn kẽ thì mới có cơ hội thành công. Xen kẽ giữa những chuồng lớn nuôi chim công, chim trĩ là những chuồng nhỏ hơn để nhốt nuôi những giống chim chủ nhân còn theo dõi, nghiên cứu, chưa đủ điều kiện để nuôi đại trà. Chỉ vào đàn vịt uyên ương tầm ba mươi con đang rỉa lông trong hồ nước nhỏ trước mặt, anh cho biết, đàn vịt này được hình thành từ mấy quả trứng giống bạn anh gửi từ Nga về. Được coi là một trong mười loài chim đẹp nhất thế giới, nhìn ảnh, anh mê mẩn, và âm thầm nuôi mộng nhân giống. Thấy đôi vịt nuôi khá suôn sẻ, lớn nhanh, anh mừng lắm. Nhưng hết đợt này đến đợt khác, việc ấp nở vẫn không thành công. Thất bại, làm lại, thất bại, làm lại… Hai năm trời lặp đi lặp lại điệp khúc buồn đó, anh vẫn kiên trì đeo bám. Chân lý nhiều khi giản đơn hơn ta tưởng. Tìm hiểu đào xới thông tin không mang lại kết quả, rồi một ngày đẹp trời, anh phát hiện ra vịt uyên ương có thói quen đẻ trứng… trên cây! Anh hì hục mang những thân gỗ mục gác lên làm tổ. Vịt lò dò lên đẻ trứng. Rồi ấp. Rồi nở. Thành công đó tiếp tục là động lực cho anh chinh phục những thử thách mới…

Công ngũ sắc, loài chim quý hiếm được nhân giống thành công.

Anh Giáp cho biết, công, trĩ, cũng giống nhiều loài chim khác, hầu như đều dễ nuôi, bởi chúng là loài sống hoang dã nên khỏe, sức đề kháng cao, ít nhiễm các loại dịch bệnh. Đợt dịch cúm gia cầm cách đây dăm năm, trong khi gia cầm chết la liệt, người ta mang hàng bao tải gà nhiễm dịch đi tiêu hủy, anh khấp khởi chỉ dám mừng thầm vì đàn chim của anh ở Lý Nhân, Hà Nam không suy suyển. Hiện anh Giáp đang tiếp tục hoàn thiện cuốn sách Kỹ thuật nuôi, sinh sản các loài chim, gà quý hiếm để phổ biến đến người chăn nuôi.

Thời gian đầu việc nhân giống trĩ cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do loài chim này không tự ấp được cho nên anh Giáp phải gom trứng rồi gửi nhờ gà ấp, sau đó cải tiến bằng cách dùng máy ấp trứng. Tuy nhiên do nhiệt độ, thời gian ấp, độ ẩm của trứng gà và trứng chim khác nhau cho nên tỷ lệ thành công chưa đến 50%. Anh Giáp nảy ra ý tưởng nghiên cứu tự chế máy ấp trứng chuyên biệt cho chim. Lại mày mò, và máy ấp trứng chim thương hiệu Vườn chim Việt ra đời, không chỉ phục vụ việc ấp trứng của trại, mà còn cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu. Hiện cơ sở sản xuất máy ấp trứng theo đặt hàng, tùy yêu cầu của khách mà sản xuất máy to hay nhỏ, thông thường là ấp khoảng 500 quả cho một đợt ấp hơn 20 ngày.

Bắt tay vào làm trang trại khi cả nước chưa có mô hình nào để tham khảo, học hỏi, anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực từ cả bên ngoài và gia đình.

Xác định lấy nuôi chim làm nghiệp, việc đầu tiên của chàng trai ngoài 25 tuổi khi đó là xin cấp giấy phép làm trang trại nuôi chim. Lúc bấy giờ, việc xin giấy phép không hề đơn giản, trên thực tế là chưa từng có. Sau cả năm chạy đôn chạy đáo lo thủ tục, tháng 6-2009, trại nuôi sinh sản và bảo tồn Vườn chim Việt trở thành cơ sở đầu tiên và duy nhất trên cả nước được cấp giấy phép gây nuôi. Bắt tay vào làm trang trại khi cả nước chưa có mô hình nào để tham khảo, học hỏi, anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều áp lực từ cả bên ngoài và gia đình. Thời gian đầu, chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của loài chim, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, sinh sản… cho nên chim chết khá nhiều, có thời điểm mất hàng trăm triệu đồng. Vốn đã ít, đầu tư thì lớn, những năm 2007-2008 là thời điểm khó khăn chồng chất đối với anh. Tìm hiểu từ sách báo, tài liệu trong nước, ngoài nước không đủ, có những đợt, anh Giáp lăn lộn cả tháng trời ở Thailand, Malaixia… để học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi chim ở đó. Rồi dần già, mô hình nuôi trĩ của anh hình thành rõ nét hơn, ổn định hơn. Số lượng đàn chim trĩ của anh không ngừng sinh sôi nảy nở, dần dần lên đến hàng nghìn con. Hiện cả đàn chim trĩ tại hai cơ sở có số lượng lên đến khoảng 6.000 con, cung cấp nguồn giống đáng kể cho người có nhu cầu nuôi loài chim này. Anh Giáp cho biết, sau tám tháng tuổi, chim mái bắt đầu đẻ trứng. Trĩ đẻ rất nhiều, trung bình mỗi năm, một con mái đẻ khoảng 100 quả trứng, có những con đẻ gấp đôi số đó. Giá mỗi quả trứng chim trĩ đỏ hiện khoảng 40.000 đồng, trĩ giống nuôi một tháng tuổi giá khoảng 100.000 đồng/con, trĩ trưởng thành khoảng 700.000 đồng/con… Hạch toán chi li, loài chim này mang lại giá trị kinh tế cao gấp 20- 30 lần so với nuôi gà. Thịt chim trĩ ngon, nhiều chất dinh dưỡng, tuy nhiên, do quý hiếm nên xưa nay dân ta sử dụng như một vị thuốc nhằm bồi bổ gan thận, tỳ vị hư yếu, kém ăn…

chim trĩ đỏ khoang cổ

Chim trĩ đỏ ở Vườn chim Việt.

Chia tay chúng tôi, anh Giáp lạc quan, với đà phát triển như hiện nay, loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ này sẽ không còn nguy cơ tuyệt chủng nữa. Mô hình nuôi trĩ, cũng như nhiều loài chim khác sẽ được nhân rộng, mang lại lợi ích kinh tế lớn lao cho người chăn nuôi. Lấp lánh trong mắt người thanh niên trẻ niềm vui tìm tòi khám phá, như điều hằng nghĩ, đường ư, đường do con người đi mãi mà thành…

BÌNH NHI