Một số bệnh thường gặp ở vịt trời và cách phòng ngừa và điều trị

resized_CAM00222

Mùa mưa đến là mùa thích hợp cho việc chăn nuôi vịt trời, nhưng cũng là mùa thường xuất hiện các loại bệnh gây hại cho đàn vịt. Do vậy, để chủ động kỹ thuật trong quá trình nuôi vịt, cần phải biết đến một số bệnh thường gặp và cách phòng trị để hạn chế sự rủi ro đáng tiếc xảy ra.

* Bệnh dịch tả hay phù.

Đầu: bệnh do Herpes virus gây ra, bệnh thường xảy ra ở vịt từ 15 ngày tuổi trở lên.

– Triệu chứng:

+ Vịt con: lờ đờ, không muốn xuống nước, ăn kém hơn mọi ngày.

+ Vịt lớn: chân bị liệt, nhiệt độ cao 43-44oC.

+ Biểu hiện chung là vịt ủ rũ, đứng 1 chân, đầu rút vào cánh, mí mắt sưng. Vịt khó thở, chảy nước mũi, đầu sưng to, ỉa chảy, phân loãng màu trắng xanh, cánh xệ xuống sau khi mắc bệnh từ 5-6 ngày. Vịt chết đột ngột trong tư thế còn khỏe, đặc biệt, vịt trống chết thì dương vật bị lòi ra ngoài.

– Phòng ngừa và điều trị: Do mầm bệnh là virus, hiện nay chưa có thuốc điều trị hữu hiệu. Nhưng trong trường hợp đàn vịt đang phát bệnh, thì cần được thực hiện một số biện pháp sau đây để hạn chế thiệt hại.

+ Giết bỏ ngay các vịt đang bệnh, chôn xác vịt cùng với vôi sống.

+ Chuyển đàn vịt nuôi sang khu vực khác, tiến hành sát trùng, tẩy uế các vật dụng chăn nuôi và chuồng trại.

+ Cho vịt uống kháng sinh và bổ sung các vitamin vào nước uống để ngăn ngừa phụ nhiễm vi trùng.

+ Cách phòng trị hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vaccin dịch tả cho vịt theo lịch tiêm chủng. Lần thứ 1: lúc 3 ngày tuổi, lần thứ 2: lúc 21 ngày tuổi (đối với vịt thịt). Lần thứ 3: lúc 9 ngày tuổi, lần thứ 4 lúc 5 tháng tuổi (đối với vịt để làm vịt đẻ).

* Bệnh tụ huyết trùng:

Bệnh do vi trùng pasteurella multocida gây ra, với nhiều type huyết thanh khác nhau. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở vịt trên 15 ngày tuổi.

– Triệu chứng: xảy ra ở 2 thể biểu hiện:

+ Thể cấp tính: Sốt cao, chảy nước mũi làm vịt khó thở. Vịt chết đột ngột, xác chết tụ máu tím bầm. Phổi, gan, ruột đều bị viêm và xuất huyết.

+ Thể mãn tính: Thường những vịt còn sống sót sau thời gian ở thể cấp tính. ở thể này, có biểu hiện sau: chảy nước mũi, khó thở, vịt gầy ốm dần, sưng khớp làm vịt bị liệt, viêm màng não làm vịt bị ngoẹo cổ.

– Phòng và điều trị.

+ Cho vịt ăn uống đầy đủ nhất là đầu mùa mưa và khi trời trở lạnh. Nhốt riêng vịt bệnh và đưa đàn vịt mạnh đi nơi khác; chôn sâu vịt bệnh chết.

+ Tẩy uế chuồng và nơi chăn thả bằng vôi bột.

+ Khi xung quanh có dịch xảy ra hay vào lúc giao mùa, nên dùng Teramycine hay chloramphenicol và sulfamide trộn vào thức ăn hay nước uống cho vịt.

+ Chữa bệnh: có thể tiêm (nếu nặng) và cho uống các loại kháng sinh sau:

– Tiêm: sử dụng Bio-Anfio 1m1/5kg thể trọng, hoặc Erysultrim 1m1/10 kg thể trọng.

– Uống, ăn, sử dụng Genta-Ampicol 2 g/lít hay 4 g/kg thức ăn hoặc Cogenr 2 g/lít hay 4 g/1kg thức ăn.

Trong thời gian điều trị, phải chú ý cung cấp đầy đủ các chất điện giải và các loại vitamin tổng hợp cho cả đàn.

* Bệnh do E.coli gây ra.

Bệnh này khá phổ biến, gây thiệt hại rất nặng cho vịt đàn, đặc biệt là vịt con. Vi trùng E.coli thường xâm nhập vào trứng xuyên qua vỏ trứng nhiễm vào phôi và xâm nhập từ đường lây qua các dụng cụ chăn nuôi, nguồn nước, nguồn thức ăn.

– Triệu chứng: có 3 thể nhiễm:

+ Thể nhiễm trùng hô hấp – nhiễm trùng máu: E.coli xâm nhập qua đường miệng, vào hệ thống hô hấp, định vị trực tiếp tại túi khí, làm túi khí trở nên đầy và đục. Sau vài ngày vi trùng E.coli xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu, từ máu E.coli đi đến nhiều nơi, gây tổn thương nhiều cơ quan khác làm viêm màng bao tim, màng bao quanh gan, khớp và thận, lá lách.

+ Thể viêm ruột: Thường làm vịt ỉa chảy với nhiều nước, xuất huyết phần trên ruột non.

+ Thể viêm rốn: Thường thấy ở gà, vịt mới nở, E.coli nhiễm vào cuống rốn do người nuôi vệ sinh, sát trùng máy ấp không tốt. E.coli làm bụng sưng to, nếu vịt sống được hơn 4-5 ngày thì E.coli có thời gian để vào máu gây viêm màng ngoài tim, màng bao quanh gan, viêm túi tỷ lệ chết rất cao.

Phòng bệnh:

+ Vệ sinh trứng cho thật tốt kể cả máy ấp trứng, dụng cụ ấp.

+ Sát trùng dụng cụ nuôi, chuồng trại theo định kỳ.

+ Dùng kháng sinh với E.coli qua nước uống và trộn vào thức ăn cho vịt ăn uống ngay giai đoạn vịt mới nở.

+ Chích ngừa vaccin E.coli cho vịt.

– Điều trị: Khi phát hiện bệnh cần tiến hành điều trị ngay bằng kháng sinh trong 4-5 ngày liên tục. Có thể dùng các loại khác sinh sau:.

Norfloxacin 200: 1cc/3-4 lít nước.

Enro-kaneocol: 1 g/lít nước hoặc 3 g/kg thức ăn.

Enro-trimecol: 1 g/1,5 lít nước hoặc 1,5 g/kg thức ăn.

Trường hợp bệnh nặng quá, có thể dùng kháng sinh Bio-anflox 50:1m1/5kg thể trọng, chích trong 4-5 ngày liên tục.

Khoa học Phổ thông