Trở thành tỷ phú nhờ gây nuôi chim sinh sản

Vài năm trở lại đây, xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam) như tấp nập người, xe qua lại hơn khi xuất hiện trang trại nuôi chim của gia đình anh Trần Nhữ Giáp.

chim trĩ

Đây là một mô hình trang trại mới nhưng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, thả nuôi nhiều loại chim quý có giá trị kinh tế cao, tạo ra một hướng đi mới cho thanh niên lập nghiệp.
Ngay từ bé, anh Giáp đã có đam mê sưu tầm và nuôi gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu… và ước mơ về một vườn chim giữa nơi làng quê thanh bình cũng bắt đầu từ đó. Lớn lên, anh được đi nhiều nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có nghề nuôi chim cảnh phát triển như Singapo, Thái Lan…
Nhận thấy những mô hình trang trại nuôi chim ở đây hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ quê hương anh, với sự ủng hộ của người thân, anh đã tìm mua những giống chim quý, học hỏi kinh nghiệm nuôi chim của nước ngoài đem về Việt Nam áp dụng.
Ngồi dưới chân ngôi nhà sàn nhỏ xinh tọa lạc ngay giữa vườn chim khổng lồ rợp bóng cây, anh Giáp miên man nói về nghề nuôi chim, cũng như đặc tính của từng giống, từng loài chim trong vườn. Riêng về ngôi nhà sàn cũng có nhiều điều thú vị.
Nhà được thiết kế theo kiểu kết hợp giữa kiến trúc của vùng cao đồng bằng Bắc Bộ, xung quanh nhà là những cây cầu nhỏ vắt qua ao sen, tất cả tạo nên một không gian yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên.
Nhớ lại thời gian đầu bắt tay vào công việc, anh Giáp vẫn còn ngán ngẩm nói: “Bắt đầu cách đây hơn chục năm, dồn hết tài sản được mấy trăm triệu tôi dành hết để mua Trĩ đầu đỏ về nuôi.
Nhưng do chưa có kinh nghiệm và điều kiện khí hậu của ta có phần khác nước khác nên chim chết, thiệt hại gần một nửa. Dần dần, được sự được sự động viên giúp đỡ của bạn bè sinh hoạt trong Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, tôi quyết tâm phải làm thành công dự định của mình”. Quyết tâm làm bằng được, anh đã nhờ người thân xung quanh nuôi hộ với số lượng một vài con tại mỗi hộ.
Niềm vui đến với anh khi cuối năm 2008, việc nhân giống giống chim Trĩ đầu đỏ thành công như ý muốn. Tiếp tục mở rộng quy mô, đến đầu năm 2009, anh thuê lại 1 mẫu đất ruộng của người dân để làm trang trại và tiếp tục mua thêm các loài chim quý khác để nghiên cứu như công, gà lôi Hoàng Gia Anh, Vịt Uyên Ương, Gà 9 cựa, Trĩ đỏ khoang cổ
Theo kinh nghiệm của anh Giáp, những loại chim quí này nuôi không khó mà lại cho thu nhập rất cao. Thức ăn, chế độ chăm sóc của chúng cũng giống như đối với chăn nuôi gà ta. Chỉ có một điều khác là chuồng trại phải có nhà lưới, thép bao bọc cho chúng khỏi bay mất. Một con Trĩ mỗi năm đẻ 2 lứa với số lượng trên dưới 100 trứng với giá thành 40 nghìn đồng/quả, thịt khoảng 400 nghìn đồng/kg, nuôi khoảng 5 tháng là có thể xuất chuồng. Sau khi khai thác trứng chim Trĩ khoảng 4 năm, Trĩ mẹ sẽ được chuyển làm chim cảnh.
Loài chim Công có thể đẻ trong thời gian 20 năm và có tuổi thọ khoảng 30 năm. Những con Công, Trĩ giống 1 tuần tuổi là có thể xuất chuồng với giá khoảng 200 nghìn đồng/con. Điều thú vị hơn là những loài chim quý được nuôi có sức đề kháng cao, lượng thức ăn cho chúng chỉ bằng một nửa nhu cầu ăn của gà cùng trọng lượng. Vì vậy, điều này hoàn toàn phù hợp với việc chăn nuôi của người dân.
Ước tính, bỏ ra 10 triệu đồng là hoàn toàn có thể nuôi với quy mô nhỏ. Hiện tại, trong trang trại của anh có tất cả 12 loài với quy mô hơn 2.000 con. Ngoài Trĩ đầu đỏ, thì việc nhân giống thành công các loài công như công Xanh, công Trắng, và đặc biệt là công Ngũ sắc là điều anh luôn tự hào.
Anh Giáp cho biết: “Việc nhân giống thành công công Ngũ sắc chính là thành công lớn nhất của mình”. Công Ngũ sắc là loài công kết hợp giữa loài công Xanh và công Trắng.
Trong tự nhiên, có khi hàng nghìn con công Xanh và công Trắng may ra mới sinh sản ra được 1 con công Ngũ sắc. Năm 2008, sau khi tìm tòi nghiên cứu, anh Giáp nhân giống được một con Công Ngũ Sắc đầu tiên. Sau đó phải mất 1 năm theo dõi, thí nghiệm, anh mới tìm ra cách nhân giống loại Công này. Hiện giờ, anh đã nhân được gần 40 con. Có nhiều nơi trả tới 40 triệu đồng/con nhưng anh Giáp chưa bán.
Sở hữu một trang trại như thế, ước tính mỗi năm trừ chi phí về con giống, thức ăn… doanh thu trang trại mang lại lên tới hàng tỷ đồng. Thấy việc nuôi, nhân giống những loài chim quý không quá vất vả, lại cho lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều các vật nuôi truyền thống, anh đã động viên nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, cung cấp con giống và kỹ thuật cho họ. Ở nhiều nơi, nhiều gia đình được anh đầu tư con giống, chuyển giao kỹ thuật, xử lý đầu ra. Đi đến đâu anh cũng truyền những kinh nghiệm mình có và niềm đam mê của bản thân.
Ông Trần Hữu Tân, Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho biết: Đảng uỷ, chính quyền địa phương nhận thấy đây là một mô hình hay, có thể phát triển, nhân rộng tại địa phương, là một kênh tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là đội ngũ thanh niên trong xã. Do vậy, địa phương đã tạo điều kiện tối đa về cơ chế cho chủ trang trại hoạt động.

Theo báo Tin Tức 15/6