Chàng thanh niên quê Hà Nam được người dân gắn biệt danh “vua chim”. Hiện tại, anh đang nuôi 30 loài chim, với gần 5.000 cá thể chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim công, gà lôi trắng, vịt uyên ương, vịt trời, sâm cầm…
Đó là chủ nhân của trang trại Vườn chim Việt, anh Trần Nhữ Giáp, 34 tuổi, ở xóm Đòng xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
“Bị chê khùng vì nuôi chim trời”
Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Thương mại, anh Trần Nhữ Giáp xin vào làm cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Làm được hơn 1 năm, vì lương thấp, thu nhập bấp bênh, anh Giáp quyết định bỏ về quê theo đuổi niềm đam mê nuôi chim cảnh từ nhỏ.
Năm 2004, anh dành hết số tiền tích góp và vay mượn thêm bạn bè được 40 triệu đồng mua 4 đôi chim công, trĩ về nuôi. Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, anh Giáp vui mừng khi nhân giống thành công hơn 100 con chim trĩ đỏ khoang cổ và hơn 20 chim công xanh Ấn Độ.
Nhận thấy việc nhân giống chim trĩ khả quan, năm 2007, anh Giáp mạnh dạn vay mượn bạn bè, ngân hàng 600 triệu đồng mở trang trại nuôi chim ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trên diện tích 5.000m2, anh Giáp bắt đầu xây dựng thêm các chuồng nuôi chim trĩ, công với tổng số cá thể khoảng 600 con. Tuy nhiên, mọi việc không như anh Giáp nghĩ, vì chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật che chắn chuồng, tiêm phòng cho chim nên lần nuôi thử nghiệm tiếp theo số chim trĩ, công bị chết gần hết.
“Lúc thất bại, gia đình, bạn bè tôi phản đối kịch liệt. Thậm chí, nhiều người dân còn nói tôi khùng, điên vì đốt tiền vào những trò vô bổ”, anh Giáp kể.
Sau thất bại, anh Giáp không nản lòng, vẫn tiếp tục dành thời gian lên mạng tìm hiểu thêm các tài liệu về loài chim trĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc này chưa có mô hình nào nuôi thử nghiệm loài chim trĩ quý hiếm này nên anh Giáp học được rất ít kiến thức.
Chim sâm cầm là đặc sản người dân thường mang tiến Vua. Trang trại nhà anh Giáp đang nuôi hàng trăm cá thể.
Giữa năm 2007, sau những lần lang thang trên mạng tìm hiểu tài liệu về loài chim trĩ đỏ khoang cổ, anh Giáp tình cờ biết thông tin ở nước ngoài đã nuôi thành công loài này. Nghĩ là làm ngay, anh Giáp tiếp tục vay mượn gần trăm triệu đồng sang Thái Lan học hỏi về mô hình nuôi chim cảnh. Sau hơn 1 tháng ở nước ngoài học hỏi, anh Giáp trở về quê với quyết tâm tiếp tục gây dựng lại cơ sở nuôi chim.
Đầu năm 2008, anh Giáp bắt tay vào nuôi trĩ đỏ, chim công, sau đó bổ sung thêm các loài chim khác như: chim trĩ 7 màu, chim trĩ xanh, chim công, vịt uyên ương, gà lôi trắng. Cũng có một số loài anh tự nhân giống như chim công xanh.
Là người đi tiên phong nuôi những loài chim nằm trong Sách đỏ nên anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, cũng như việc xin cấp phép nuôi. “Để được chính quyền địa phương cấp phép nuôi loài chim trĩ, tôi đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Đến năm 2009, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam mới cấp giấy phép cho gia đình xây trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn Vườn chim Việt”, anh Giáp chia sẻ.
Năm 2010, từ những thành công bước đầu, anh Giáp tiếp tục gom góp, vay mượn số tiền hơn 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại 2 ha ở thôn 1B, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội mở rộng trang trại nuôi chim. Ngoài chim trĩ đỏ khoang cổ, chim công, anh Giáp nuôi thử nghiệm và nhân thêm nhiều loài chim quý khác như: vịt uyên ương, vịt trời, gà lôi trắng, gà rừng, sâm cầm. Qua một số lần thất bại, nắm được kỹ thuật nuôi nên ở thời điểm hiện nay, trong khu trang trại số cá thể chim các loại đã lên đến vài nghìn con.
Mỗi năm, anh Giáp đều sang nhiều quốc gia như: Úc, Singgapore, Thái Lan… nơi từng có ngành chăn nuôi chim để học hỏi về áp dụng cho trang trại của mình và viết kỹ thuật hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi.
Nhân giống thành công chim công “ngũ sắc”
Năm 2012, vì diện tích nuôi chim trang trại quá tải, anh Giáp đã nghĩ đến chuyện nuôi thương phẩm một số loài như vịt trời. Anh Giáp cho biết, ngoài chim trĩ đỏ khoang cổ, anh đang nuôi thử nghiệm loài chim sâm cầm người dân từng mang “tiến vua”. Hiện hơn 100 cá thể chim trong trang trại sinh trưởng khá tốt. Chim sâm cầm có trọng lượng từ 500 đến 700g. Một con chim sâm cầm 500g được bán với giá khoảng 900.000 đồng.
“Trước đây, thịt chim sâm cầm là vật phẩm tiến vua chỉ dòng dõi quý tộc mới được thưởng thức. Thịt sâm cầm có đặc tính mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều người săn đón. Do vậy, để nhân được giống loài chim này tôi đã phải mày mò tự học hỏi mấy năm trời”, anh Giáp kể.
Anh Giáp cho biết thêm, thời gian đầu nuôi chim anh thường cho nhiều loài gia cầm khác nhau ấp trứng chim công, sâm cầm hoặc gửi đến các cơ sở ấp trứng gà để nhân giống, nhưng cách ấp này chưa thực sự đem lại hiệu quả. Năm 2012, sau khi mày mò, học hỏi dựa trên nguyên lý của máy ấp trứng gà anh đã có những cải biến sản xuất ra máy ấp trứng tự động chuyên dụng để ấp nở chim công, sâm cầm cũng như nhiều loài khác phục vụ cho trang trại. Máy ấp đã được chuyển giao cho khách hàng mua giống tại trang trại với tỉ lệ ấp nở thành công tới 90%.
Không chỉ nhân giống, thuần hóa thành công loài chim trĩ đỏ, anh Giáp còn là người đầu tiên nhân giống, lai tạo thành công loài chim công. Từ 18 chim công giống, đến nay anh đã nhân giống được hơn 600 cá thể. Quá trình nuôi anh Giáp đã cho lai tạo ra những dòng mới như công ngũ sắc, một loài chim công có 5 màu rất đẹp.
Ngoài ra, chủ trang trại còn giúp cho nhiều tỉnh thành như: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc…thực hiện thành công mô hình nuôi chim sinh sản gồm chim công, sâm cầm, vịt trời. Hiện nay, cả hai trang trại của anh đã tạo việc làm cho 20 công nhân, đảm bảo thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/1 tháng. Hằng năm, trang trại của anh đem về thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Một số hình ảnh tại trang trại nuôi chim của anh Trần Nhữ Giáp:
Anh Giáp nhân giống thành công hơn 600 con chim công các loại
Gà rừng tai trắng nuôi trong trang trại.
Trang trại nuôi cả gà lôi trắng là loài chim quý hiếm đặc hữu của Việt Nam
“Chim trĩ hoàng đế” thường được vua chúa nuôi trong các vườn thượng uyển.
Trong trang trại có hơn 200 con vịt uyên ương
Ngoài ra, anh Giáp đang nuôi thí nghiệm một số loài chim quý khác như Vẹt Úc.
Chim trĩ đỏ khoang cổ là loại chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam. Hiện tại, các cơ sở của anh Giáp đang nuôi gần 1.000 cá thể.
Hàng ngày có rất nhiều người dân đến thăm quan, đặt mua nhiều loại chim quý trong trang trại.