(Dân trí) – Chứng minh được một số loài chim quý trong Sách đỏ như chim Trĩ, chim Công… có thể sinh sản trong môi trường nhân tạo, năm 2009, anh Trần Nhữ Giáp (Thanh Trì, Hà Nội) đã được cấp giấy phép xây dựng trang trại sinh sản và bảo tồn chim quý.
Năm 22 tuổi tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Thương Mại. 30 tuổi từ bỏ công ty tư vấn đầu tư để trở thành… nông dân. Năm 34 tuổi sở hữu trong tay 4 trang trại nuôi chim trên khắp cả nước. Đó là kết quả từ tình yêu thiên nhiên, động vật và các loài chim trời quý hiếm của anh Trần Nhữ Giáp (Đông Mỹ – Thanh Trì – Hà Nội). Từ đây nhiều người còn đặt cho anh biệt danh “vua chim”.
Trang trại rộng gần 15.000m2 của anh Giáp ở xã Đông Mỹ là nơi hội tụ của hơn 20 loài chim quý với số lượng lên đến hàng nghìn cá thể; trong đó có các loài đặc biệt quý hiếm như chim Công ngũ sắc, chim Trĩ đỏ khoang cổ, chim Trĩ xanh, chim Trĩ Nhật Bản, vịt Uyên ương, gà Lôi trắng và chim Sâm Cầm.
Trong số những loài này, một số loài như chim Trĩ, chim Công, gà Lôi trắng trước đây còn nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Là người tiên phong nuôi những loài chim nằm trong Sách đỏ nên anh Giáp gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như việc xin cấp phép để nuôi chim. “Để được chính quyền địa phương cấp phép nuôi loài chim trĩ, tôi đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Đến năm 2009, gia đình tôi mới được cấp giấy phép để xây trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn”, anh Giáp chia sẻ.
Quan niệm về chim – theo ông chủ của vườn chim này – có hai loại “hữu thanh vô sắc” có nghĩa là hót hay nhưng không có vóc dáng đẹp và “hữu sắc vô thanh” có nghĩa là chim đẹp thường không hót hay. Ông “vua chim” này đam mê loại “hữu sắc vô thanh” nên các loài chim trong trang trại đều có vóc dáng rất đẹp.
Nguyễn Dương